Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tôi đọc Đại Tạng Kinh »» PHỤ LỤC 1. BIÊN BẢN HỘI NGHỊ TOÀN THỂ HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH TAM TẠNG »»

Tôi đọc Đại Tạng Kinh
»» PHỤ LỤC 1. BIÊN BẢN HỘI NGHỊ TOÀN THỂ HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH TAM TẠNG

Donate

(Lượt xem: 1.515)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tôi đọc Đại Tạng Kinh - PHỤ LỤC 1. BIÊN BẢN HỘI NGHỊ TOÀN THỂ HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH TAM TẠNG

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN TĂNG THỐNG

HỘI NGHỊ TOÀN THỂ HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH TAM TẠNG

(tổ chức vào các ngày 20, 21, 22. 10.1973)

BIÊN BẢN

Phiên họp thứ nhất, ngày 20.10.1973

tại Đại học Vạn Hạnh.

Thời gian: từ 16 giờ đến 21g30 ngày 20.10.1973

Địa điểm: Phòng Hội Đồng, Lầu 2, Đại học Vạn Hạnh

Thành phần tham dự:

Hiện diện (12 vị):

- Thượng tọa Trí Tịnh

- Thượng tọa Minh Châu

- Thượng tọa Quảng Độ

- Thượng tọa Thiện Siêu

- Thượng tọa Huyền Vi

- Thượng tọa Trí Thành

- Thượng tọa Huệ Hưng

- Thượng tọa Thuyền Ấn

- Thượng tọa Trí Nghiêm

- Thượng tọa Thiền Tâm

- Thượng tọa Thanh Từ

- Thượng tọa Bửu Huệ

Vắng mặt (6 vị):

- Thượng tọa Trí Quang

- Thượng tọa Nhật Liên

- Thượng tọa Đức Nhuận

- Thượng tọa Trung Quán

- Thượng tọa Đức Tâm

- Đại đức Tuệ Sỹ

Chủ Tọa Đoàn:

- Thượng tọa Trí Tịnh

- Thượng tọa Minh Châu

- Thượng tọa Quảng Độ

I. PHẦN KHAI MẠC

1. Tuyên bố lý do

Mở đầu, Thượng Tọa Trí Tịnh, Trưởng Ban Hội Đồng Phiên dịch mời quý Thượng Tọa niệm hồng danh đức Thế Tôn, tiếp đó, Thượng Tọa long trọng tuyên bố lý do triệu tập Hội nghị.

Theo Thượng Tọa ngay từ khi Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng được thành lập bởi quyết định của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, Hội Đồng đã liên tiếp tổ chức nhiều phiên họp và hôm nay, Hội nghị được triệu tập là do những kết quả những phiên họp đó.

Nhấn mạnh đến tính cách quan trọng của Hội Nghị, Thượng Tọa nói tiếp rằng, vấn đề thành lập một Tam Tạng Việt ngữ là một vấn đề trọng đại và cấp thiết. Vì cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa có được một Tam Tạng bằng tiếng Việt bên cạnh Tam Tạng của các quốc gia lân cận, mặc dù nền Phật giáo nước nhà không phải là có một lịch sử truyền bá ngắn hơn. Trước đây, tuy rằng vẫn có một số Kinh điển được dịch ra tiếng Việt, chúng ta vẫn không thể gọi đó là Tam Tạng Việt ngữ được vì lẽ những bản dịch này, phần lớn, còn có quá nhiều sơ suất. Sự vắng mặt của Tam Tạng Việt ngữ bên cạnh các Tam Tạng Trung Hoa, Cao Miên, Cao Ly, Nhật Bản… như thế là một điều đáng buồn. Hơn nữa, với tình trạng hiện tại, khi mà chữ Hán không còn được thông dụng như trước đây, thì sự có mặt của Tam tạng Việt ngữ lại càng mang một ý nghĩa quan trọng và cấp bách hơn, trong vấn đề phổ biến giáo lý đức Phật. Ý thức tầm quan trọng đó, Hội nghị được triệu tập với mục đích bàn về những phương thức làm việc, để cho Tam Tạng Việt ngữ chóng được hoàn thành. Thượng Tọa đã thuật lại hoài bão phiên dịch Kinh điển của mình và những khó khăn, những kinh nghiệm đã có trên đường thực hiện đại nguyện này. Thượng Tọa ước mong quý Thượng Tọa trong Hội Đồng, sẽ hoan hỷ làm việc một cách tích cực để Tam Tạng Việt ngữ sớm được hoàn thành.

2. Giới thiệu thành viên của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng

Tiếp đến, Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Tổng Thư Ký Hội Đồng, giới thiệu các thành viên của Hội Đồng Phiên dịch Tam Tạng. Theo Thượng Tọa, cách đây mấy tháng, Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương đã quyết định thành lập Hội Đồng Phiên dịch Tam Tạng và thành viên của Hội đồng gồm 10 vị. Đó là quý Thượng Tọa Trí Tịnh, Trí Quang, Minh Châu, Đức Nhuận, Bửu Huệ, Trí Thành, Quảng Độ, Nhật Liên, Thiện Siêu, Huyền Vi. Trong đó, Thượng Tọa Trí Tịnh làm Trưởng Ban, Thượng Tọa Minh Châu làm Phó Trưởng Ban và Thượng Tọa Quảng Độ làm Tổng Thư Ký Hội Đồng.

Trong phiên họp ngày 30.7.1973, Hội Đồng Phiên dịch Kinh điển đã quyết định cung thỉnh thêm quý TT Đức Tâm, Huệ Hưng, Thuyền Ấn, Trí Nghiêm, Trung Quán, Thiền Tâm, Thanh Từ và Đại Đức Tuệ Sỹ gia nhập Hội Đồng. Như thế, tổng số thành viên của Hội Đồng Phiên dịch Tam Tạng là 18 vị. Buổi họp hôm nay có 12 vị hiện diện và 6 vị vắng mặt.

3. Sơ lược về thể thức làm việc

TT Minh Châu:

Để xúc tiến công việc, chúng tôi đã nhờ Thư viện Đại học Vạn Hạnh, Phật khoa và Chùa Già Lam.

- Thư viện lo phần mục lục những Kinh, Luật, Luận đã dịch, Thư viện Phật học được dành riêng cho quý Thượng Tọa tham khảo hay phiên dịch tại chỗ.

- Phật khoa làm biên bản các buổi họp, và quý vị có thể đưa cho Phật khoa đánh máy những dịch phẩm đã dịch xong.

- Chùa Già Lam cử một số Chú làm thị giả quý Thượng Tọa tại phòng họp.

- Về vấn đề cư trú: Vị nào muốn nghỉ lại Vạn Hạnh hay cần xe cộ di chuyển, xin cho biết để tiện sắp đặt.

- Trong phiên họp trước, Hội Đồng dự định mời quý Thượng Tọa hội họp trong 49 ngày, nay vì xét thấy có nhiều bất tiện nên thời gian họp được rút ngắn lại, và mỗi ngày chỉ họp từ 4 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Riêng ngày mai, chúng tôi đề nghị họp từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều.

TT Thiện Siêu: Xin xác định rằng ở đây chúng ta chỉ bàn đến thể thức làm việc cho Hội nghị này. Vấn đề thể thức phiên dịch sẽ bàn sau. Hội đồng đồng ý.

4. Bầu Chủ tọa và Thư ký

Hội nghị đồng ý mời TT Trí Tịnh, Minh Châu, Quảng Độ luân phiên làm Chủ tọa cho các buổi họp.

II. PHẦN NGHỊ SỰ

Trước khi đi vào phần chính, một số Thượng Tọa yêu cầu sửa đổi chương trình nghị sự. Sau một hồi thảo luận, hội nghị chấp thuận chương trình nghị sự như sau:

Chương trình nghị sự

A. PHẦN KHAI MẠC

1. Tuyên bố lý do

2. Giới thiệu thành viên trong Hội đồng Phiên dịch

3. Sơ lược về thể thức làm việc

4. Bầu chủ tọa và thư ký

B. PHẦN NGHỊ SỰ

I. Duyệt xét và bổ túc mục lục Kinh điển đã phiên dịch

II. Soạn thảo thư mục Kinh điển phải phiên dịch

III. Tổ chức phiên dịch và thể thức phiên dịch

IV. Các vấn đề linh tinh:

1) Thời gian hội nghị

2) Cách thức làm việc

3) Đánh máy, ấn loát

4) Xây cất trụ sở. Vấn đề tài chánh.

I. Duyệt xét và bổ túc mục lục Kinh điển đã phiên dịch

Trước khi soạn thảo thư mục Kinh điển phải phiên dịch, Hội nghị đọc và bổ túc thư mục những Kinh điển đã được chuyển ra Việt ngữ do Ban Tổ Chức cung cấp. Hội nghị khuyến cáo.

1. Với những bản dịch có giá trị: Nên duyệt lại trước khi chấp thuận đưa vào Tam Tạng Việt ngữ.

2. Với những bản dịch thiếu giá trị: Phải dịch lại.

TT Thuyền Ấn: Xin Hội nghị lưu ý về những bộ luận do Chư Tổ Việt Nam sáng tác. Có nên xếp những tác phẩm này vào Tam Tạng Việt Nam không?

Về điểm này, Đại hội biểu quyết là phải đưa vào Đại Tạng Việt nếu xét thấy tác phẩm có giá trị.

II. Soạn thảo thư mục phải phiên dịch

TT Minh Châu: Về thư mục Đại Tạng Kinh, chúng tôi xin đại hội lưu ý Phật điển trên thế giới được phân ra làm hai tạng chính và Sanskrit và Pàli, và hai tạng dịch quan trọng nhất là Hán tạng và Tây Tạng tạng.

Trong hoàn cảnh hiện đại, xin Hội nghị chú trọng hai tạng Pàli và Hán. Và như thế, khi dịch chúng ta sẽ chia ra làm hai ban: ban Pàli và ban Hán. Mục lục Pàli khỏi bàn vì quá rõ ràng.

TT Trí Tịnh: Mục lục Pàli xin nhờ TT Minh Châu như Ngài đã nhận. Bây giờ xin chỉ bàn mục lục Hán tạng.

TT Thuyền Ấn: Thế giới chia Phật điển thành Tiểu Thừa tạng và Đại Thừa tạng. Chúng ta có nên làm như thế không?

TT Trí Tịnh: Không chia Đại, Tiểu thừa. Chúng ta nên theo lối xếp đặt của Hán tạng.

- Hội nghị đồng ý.

Đến đây, vì đã 19 giờ, ban Chủ tọa tuyên bố tạm nghỉ và phiên họp sẽ được tiếp tục vào đúng 20 giờ.

20 giờ: Họp tiếp

Hiện diện: Ngoài 12 vị đã ghi trên, còn có sự hiện diện của hai Thượng Tọa Trí Quang và Đức Nhuận.

TT Trí Tịnh: Để lập thư mục Kinh điển phải phiên dịch, chúng tôi xin đọc mục lục Đại Tạng Kinh điển.

Hán tạng chia làm những bộ chính như sau:

1. A Hàm Bộ

2. Bổn Duyên Bộ

3. Bát Nhã Bộ

4. Pháp Hoa Bộ

5. Hoa Nghiêm Bộ

6. Bảo Tích Bộ

7. Niết Bàn bộ

8. Đại Tập Bộ

9. Kinh Tập Bộ

10. Mật Giáo Bộ

11. Luật Bộ

12. Thích Kinh Luận Bộ

13. Tỳ Đàm Bộ

14. Trung Quán Bộ

15. Du Già Bộ

16. Luận Tập Bộ

17. Kinh Sớ Bộ

18. Luật Sớ Bộ

19. Luận Sớ Bộ

20. Chư Tông Bộ

21. Sử Truyện Bộ

22. Sự Vựng Bộ

23. Mục Lục Bộ

24. Cổ Dật Bộ

25. Nghi Tợ Bộ

TT Trí Quang:

Ở Hán tạng thường có nhiều bản dịch của cùng một bộ kinh. Gặp trường hợp này, nên dịch tất cả hay chỉ chọn bản hay nhất?

TT Trí Tịnh: Có hai trường hợp:

1) Những bản trùng dịch chỉ có một vài điểm sai biệt không quan trọng: dịch bản hay nhất.

2) Những bản trùng dịch có quá nhiều điểm khác nhau: Bắt buộc phải dịch tất cả.

TT Minh Châu: Chúng ta không có quyền chọn lựa. Phải dịch tất cả. Vì một bản dịch có thể dở với người này nhưng hay đối với nhiều người khác và ngược lại.

TT Trí Quang: Ý kiến của hai TT Minh Châu và Trí Tịnh đều hay và có lý riêng. Để dung hòa, tôi xin nhắc lại ý kiến của Lương Khải Siêu, một học giả đi trước chúng ta:

Những bản Hán dịch có thể chia ra làm 3 loại chính:

a) Tòng thư: Về loại này, có thể có một hai phẩm biệt dịch hay hơn trong tòng thư.

b) Chuyên mỹ: Những dịch phẩm có giá trị lớn về văn chương.

c) Định bản: Những bản dịch được phổ cập nhất và thường là được dịch đầu tiên.

Tôi đề nghị dịch hết ba loại đó. Trường hợp phát tâm dịch hết những bản dịch là do bản nguyện riêng của từng người.

TT Minh Châu: Như thế, về A Hàm chẳng hạn, chúng ta chỉ cần dịch:

No 1 Trường A Hàm

No 26 Trung A Hàm

No 125 Tăng Nhất A Hàm

No 15 Tạp A Hàm

của Hán Tạng.

TT Thiện Siêu: Nên dịch xong bộ này đến bộ khác hay dịch đồng thời mỗi nhóm một bộ theo khả năng riêng.

- Cách thứ nhất: Nhóm A dịch Trường A Hàm, nhóm B dịch Trung A Hàm, C Tạp A Hàm, D Tăng Nhất A Hàm, hay

- Cách thứ hai: Nhóm A dịch A Hàm, B Bát nhã, C Hoa Nghiêm…?

TT Trí Tịnh: Vấn đề đó sẽ nói sau. Xin soạn thảo mục lục trước. Việc này có hai cái lợi:

1) Nếu chúng ta làm chưa xong, đàn hậu tấn sẽ theo đó để làm tiếp.

2) Dễ dàng hơn trong việc hoạch định chương trình và phương tiện ấn loát.

Đại Hội đồng ý.

Sau một hồi thảo luận, Hội nghị quyết định soạn thảo ngay mục lục. Trước hết, Hội nghị bàn đến Bộ A Hàm.

Về A Hàm Bộ

Hội nghị đồng ý phải dịch trước những Kinh điển sau:

Tòng thư:

1. Trường A Hàm của Phật đà Gia xá và Trúc Phật niệm.

2. Trung A Hàm của Cù Đàm Tăng Già Đề Bà

3. Tạp A Hàm của Cầu Na Bạt Đà La

4. Tăng Nhất A Hàm của Cù Đàm Tăng Già Đề Bà và bản dịch Tạp A Hàm (thất dịch).

Về Bổn Duyên Bộ

TT Trí Quang: Bổn Duyên Bộ gồm tất cả 67 kinh, không kể những bản biệt dịch, gồm 3 loại chính:

a) Sự tích Phật, Bồ Tát trong những tiền kiếp.

b) Những bản trường ca

c) Những mẩu chuyện đạo giải thích Pháp cú.

Đề nghị nên dịch trước những tác phẩm hay nhất của loại C (Pháp cú), trong đó ưu tiên nhất là các bộ sau:

1) Pháp cú kinh, 2 quyển

2) Xuất Diệu kinh, 30 quyển

3) Pháp cú Thí dụ kinh, 4 quyển

4) Pháp tập Yếu kinh, 4 quyển

5) Bi Hoa Kinh, 10 quyển

6) Phật Sở Hành Tán.

Đại hội chấp thuận

Về Bát Nhã Bộ

TT Trí Quang: Về Bát Nhã, nên dịch 3 bộ là đủ:

1) Đại Bát Nhã, 500 quyển, Huyền Trang

2) Ma Ha Bát Nhã, La Thập

3) Kim Cang Bát Nhã, La Thập

Một số Thượng Tọa yêu cầu đọc tất cả các tên kinh của Bát Nhã Bộ để Hội nghị chọn thêm. Tuy nhiên, vì vấn đề khá phức tạp và nhất là đã quá khuya (21g30), Ban Chủ Tọa đề nghị quý Thượng Tọa về nhà soạn trước mục lục để hôm sau công việc được tiến hành một cách nhanh chóng hơn.

Ban Chủ Tọa mời quý Thượng Tọa niệm Phật hồi hướng và kết thúc phiên họp thứ nhất.

Phiên họp kết thúc đúng 21 giờ 30.

Làm tại Saigon, ngày 20 tháng 10 năm 1973

Chủ Tọa đoàn (dã ký)

Người lập biên bản (đã ký)

Thư ký đoàn (đã ký)



HỘI NGHỊ

TOÀN THỂ HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH TAM TẠNG

BIÊN BẢN

Phiên họp thứ hai, ngày 21.10.1973

tại Đại học Vạn Hạnh

Thời gian: Từ 08 đến 11 giờ 30 ngày 21.10.1973

Địa điểm: Phòng Hội Đồng, Lầu 2, Đại học Vạn Hạnh

Thành phần tham dự:

Hiện diện: 11 vị

Thượng Tọa Trí Tịnh, Minh Châu, Quảng Độ, Thiện Siêu, Thuyền Ấn, Trí Thành, Thanh Từ, Bửu Huệ, Thiền Tâm, Huệ Hưng, Trí Nghiêm.

Vắng mặt: 7 vị

Thượng Tọa Trí Quang, Đức Nhuận, Huyền Vi, Nhật Liên, Trung Quán, ĐĐ … Tâm, ĐĐ Tuệ Sỹ.

Chủ Tọa đoàn:

TT Trí Tịnh (Chánh), TT Minh Châu (Phó), TT Quảng Độ (Tổng Thư Ký)

Sau khi niệm hồng danh đức Thế Tôn, Hội đồng bàn tiếp về mục lục những Kinh điển phiên dịch.

Về Bát Nhã Bộ

TT Thiện Siêu:

Trình bày về những bộ kinh chính yếu của Bát Nhã Bộ. Đề nghị những Kinh điển phải phiên dịch như sau:

1) Đại Bát nhã: 600 quyển, Huyền Trang

2) Tiểu phẩm Bát nhã, 10 quyển - La Thập

3) Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật kinh, 1 quyển – La Thập

4) Nhân vương hộ quốc Bát Nhã Ba La Mật kinh

5) Phật thuyết nhân vương Bát Nhã Ba La Mật kinh

Hội đồng đồng ý

Về Pháp Hoa Bộ

Dịch 3 bản:

1) Diệu Pháp Liên Hoa kinh, 7 quyển - Quật ba tất đa

2) Chánh Pháp Liên Hoa kinh

3) Đàm Ma Đà Gia Xá

Về Hoa Nghiêm Bộ

Dịch các bản:

1) Hoa Nghiêm kinh, 80 quyển - Thức Xoa Nan Đà - Phẩm Phổ Hiền trong Tứ Thập Hoa Nghiêm của Ngài Bát Nhã.

2) Đại Phương Quảng Phổ Hiền Sở Thuyết kinh, 1 quyển - Thức Xoa Nan Đà.

3) Đại Phương Quảng Tổng Trì Bảo Quang Minh kinh, 5 quyển – Pháp Thiên.

4) Tín Lục Nhật Ấn Pháp Môn kinh, 5 quyển - Bản Ma Lưu Chi

5) Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm kinh tu từ phần, 1 quyển - Đề Vân, Bát Nhã.

6) Tối Thắng vấn Bồ Tát thập trụ trừ cấu – Trúc Phật Niệm.

Về Bảo Tích Bộ

Dịch các bản:

1) Đại Bửu Tích kinh, 120 quyển - Bồ đề Lưu Chí

2) Phật thuyết Vô Lượng Thọ Phật kinh, 2 quyển – Khương Tăng Khải.

3) Phật thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh – Cương Lương Gia Xá.

4) Phật thuyết A Di Đà Kinh – Cưu Ma La Thập.

5) Bạt Nhất Thế Nghiệp chướng căn bản đắc sanh Tịnh độ đà la ni, 1 quyển.

Về Niết Bàn Bộ

Các bản:

1) Đại Bát Niết Bàn kinh, 40 quyển – Đàm Vô Sấm và Hậu phần, 2 quyển - Nhã Na Bạt đà la - Hội Minh.

2) Đại Bi kinh, 5 quyển – Na Liên Đề Da đà.

3) Ma Ha Ma Gia kinh – Đàm Cảnh.

4) Bồ Tát tùng Đâu xuất Tiên giáng Thần mẫu thai thuyết Quảng phổ kinh, 7 quyển – Trúc Phật Niệm.

5) Trung Ấn kinh, 2 quyển – Trúc Phật Niệm.

6) Liên Hoa Diệu kinh – Na Liên Đề Da Xà.

7) Đại Phương Đẳng Vô Tưởng kinh, 6 quyển – Đàm Vô Sấm.

8) Đại Phần Vô Thường kinh (cuốn 9) – Trúc Phật Niệm.

9) Phật Thùy Bát Niết bàn Lược thuyết giáo giới kinh, 1 quyển La Thập.

10) Phật Lâm NB ký pháp trụ kinh, 1 quyển - Huyền Trang.

11) Bát Nê hoàn hậu quán Lạc kinh – Trúc Phật Niệm.

12) Phật diệt độ hậu quan liệm táng tống kinh, 11quyển.

13) Ca Diếp Phó Phật Bát Niết bàn kinh, 1 quyển – Trúc Đàm Vô Lang.

14) Phật Nhập NB Phật tính Kim cang lực sỹ ai luyến kinh, 1 quyển – (Thất dịch).

15) Phật thuyết đương lai biến kinh – Pháp Hộ.

16) Phật thuyết Pháp diệt tâm kinh (thất dịch).

Về Đại Tập Bộ

Dịch các bản:

1) Đại Phương Đẳng đại tập kinh, 6 quyển – Tăng Hựu Tập

2) Quán Hư không tạng Bồ tát kinh, 1 quyển – Đàm Ma Mạt Đa.

3) Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện kinh, 2 quyển - Thực xoa Nan đà.

4) Bách thiên tụng đại tập kinh Địa Tạng Bồ Tát thỉnh vấn pháp thân tán, 1 quyển - Bất Không.

5) Đại tạp thí dụ Vương kinh, 2 quyển – Xà na Quật đa

TT Thiện Siêu: Xin Hội nghị dành phần mục lục còn lại cho văn phòng Hội đồng Phiên dịch để khỏi mất nhiều thì giờ. Bây giờ xin bàn về thể thức phiên dịch.

Đề nghị này được Hội nghị hoàn toàn đồng ý.

III. Tổ chức Phiên dịch và thể thức phiên dịch

Tổ chức phiên dịch

TT Thiện Siêu: Nên dịch lần lượt bộ này cho xong rồi đến bộ khác hay chia mỗi nhóm một bộ?

TT Thanh Từ: Mỗi nhóm làm một bộ có lợi hơn:

1) Nhờ khả năng riêng

2) Văn pháp được liên tục hơn

3) Khỏi bị phân tâm.

TT Thiện Siêu: Đề nghị chia nhóm, mỗi nhóm ít nhất có 3 vị. Ví dụ 1 vị đặc biệt về chữ Hán, 1 vị đặc biệt về Việt văn và 1 về ý nghĩa. Ba vị sẽ bổ túc cho nhau về khả năng để cùng chung lo một bản dịch và như thế bản kinh có nhiều giá trị hơn. Đề nghị này được hoàn toàn đồng ý.

Ba vị đó sẽ đọc, tham khảo và luận bàn với nhau trước khi dịch. Sau đó, 1 vị dịch, 2 vị kia tra cứu những nghi vấn có thể có về bản kinh được dịch để bổ túc.

TT Trí Tịnh: Nên luân lưu để cả 3 vị đều có cầm bút dịch.

TT Huệ Hưng, Thanh Từ: Nêu lên những trở ngại khi mà chỗ ở của ba vị đó quá xa nhau.

TT Thiện Siêu: Khi lập ra Hội đồng này, chúng ta phải gặp nhau để làm việc, không dài thì ngắn hạn.

TT Thuyền Ấn: Ai đứng tên ở bản dịch khi mà cả ba vị cùng dịch một tác phẩm?

TT Thiện Siêu: Cả ba vị đồng đứng tên ở bản dịch, vì đều có công như nhau và chịu trách nhiệm như nhau trước Hội đồng và lịch sử. Sở dĩ có sự phân công trong nhóm 3 vị là vì không ai có khả năng bao trùm cả ba lãnh vực vừa nói.

TT Trí Tịnh: Cả ba vị đều chịu trách nhiệm như nhau. Tuy nhiên, trên dịch phẩm chỉ đề tên người cầm bút dịch mà thôi. Ví dụ như trường hợp Ngài La Thập. Nếu muốn, hai vị kia có thể đề là phụ khảo.

TT Thiện Siêu: Không ai có uy tín và tài năng bao trùm như ngài La Thập.

TT Minh Châu; Đề tên một vị hay cả ba vị có lợi riêng. Xin bàn kỹ vấn đề này.

TT Thanh Từ: Đề tên cả ba vị sẽ gây được một uy tín lớn hơn cho bản dịch.

TT Trí Tịnh: Nên luân lưu trong việc dịch và đứng tên, Vị này dịch, hai vị kia phụ khảo. Để gây uy tín, đề nghị cả ba vị duyệt lại bản dịch thật kỹ trước khi cho in, và khi in sẽ đề là Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng xuất bản. Như thế ba vị đó đồng thời là Hội đồng kiểm duyệt.

TT Quảng Độ: Ý kiến đó rất hay nhưng vẫn vấp phải trở ngại vì chỗ ở xa nhau. Đề nghị bầu ba vị có nhiều khả năng nhất ở Trung ương để thuần sắc bản dịch riêng của từng vị.

TT Thiện Siêu: Ba vị ở Trung ương nhuận sắc bản dịch của từng nhóm, tức là của một vị dịch giả chính thức và hai vị phụ khảo.

TT Trí Tịnh: Một bản dịch phải hội đủ hai vị phụ khảo và một dịch giả chính thức mới được ra Hội đồng, Hội đồng không xét những bản dịch cá nhân.

TT Thiện Siêu: Vấn đề phụ khảo sẽ có nhiều lợi ích:

- Bổ túc cho nhau để làm việc hữu hiệu hơn

- Gây tinh thần hòa hợp

- Tránh được tính tự tôn

- Gánh vác giúp rất nhiều cho Ban Kiểm duyệt (hay nhuận sắc).

Sau một hồi thảo luận, đại Hội đồng ý các điểm sau:

1) Vấn đề tham khảo: Hội đồng khuyến cáo dịch giả nên có hai vị tham khảo (dùng chữ tham khảo thay cho phụ khảo). Lưu ý đây chỉ là một khuyến cáo chứ không bắt buộc như một nguyên tắc.

2) Nên chia từng nhóm (mỗi nhóm ba vị) để giúp đỡ nhau làm việc. Vấn đề đề tên một vị hay cả 3 vị trên dịch phẩm tùy thuộc sở thích của ba vị đó.

3) Trường hợp dịch một bộ kinh dài, nhóm nên gởi trước cho Hội đồng bản dịch những cuốn đầu để nhận được lời khuyến cáo là có nên dịch tiếp hay không (để tránh trường hợp dịch sai nhiều quá, mất công).

4) Trường hợp những bản dịch riêng của một cá nhân nào đó (bất cứ là của ai), Hội đồng sẽ chấp thuận đưa vào Đại Tạng Việt Ngữ nếu Hội đồng xét thấy có giá trị.

5) Lập một ban chuyên môn gồm ít nhất là ba (3) vị có khả năng vượt bực. Ban chuyên môn này sẽ thẩm định các dịch phẩm xem có thể đưa vào Tam Tạng được hay không? Như thế, ban này có phận sự gần giống như một ban kiểm duyệt. Tuy nhiên, vì có nhiều điểm tế nhị, vấn đề này cần bàn kỹ hơn (ví dụ: danh xưng, điều kiện, trách nhiệm…) trong phiên họp kế tiếp.

Phiên họp kết thúc vào đúng 11 giờ 30 ngày 21.10.1973.

Làm tại Saigon, ngày 21 tháng 10 năm 1973

Chủ Tọa đoàn (đã ký)

Thư ký đoàn (đã ký)

HỘI NGHỊ

TOÀN THỂ HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH TAM TẠNG

BIÊN BẢN

Phiên họp thứ ba, ngày 21.10.1973

tại Đại học Vạn Hạnh

Thời gian: Từ 15 giờ đến 18 giờ 30 ngày 21.10.1973

Địa điểm: Phòng Hội Đồng, Lầu 2, Đại học Vạn Hạnh

Thành phần tham dự:

Hiện diện: 11 vị

Thượng Tọa Trí Tịnh, Minh Châu, Quảng Độ, Thiện Siêu, Thuyền Ấn, Trí Nghiêm, Trí Thành, Thanh Từ, Thiền Tâm, Bửu Huệ, Huệ Hưng.

Chủ Tọa đoàn:

TT Trí Tịnh (Chánh), TT Minh Châu (Phó), TT Quảng Độ (Tổng Thư Ký)

Đề tài: Tiếp mục III: Tổ chức Phiên dịch và thể thức Phiên dịch, Phân nhiệm và phân ban.

Phiên họp ngày hôm nay được tiếp tục lúc 15 giờ ngày 21.10.1973 bàn về Hội đồng kiểm duyệt, Thể thức Phiên dịch, Phân nhiệm về Phân ban.

Hội đồng Kiểm duyệt

TT Thiện Siêu: Đề nghị HĐKD có bổn phận thâu nhận mọi ý kiến của mọi người và các thành viên. Làm việc trong tinh thần trách nhiệm và uyển chuyển hầu tránh đụng chạm, nhất là trên mặt tâm lý.

TT Minh Châu: Vấn đề kiểm duyệt từng câu từng chữ sẽ làm mất thời giờ và gây rất nhiều khó khăn.

TT Quảng Độ: Nên kiểm duyệt tổng quát lời và ý.

TT Thuyền Ấn: Đề nghị nên dành một số tài chánh nhằm cúng dường cho các vị trong HĐKD.

TT Quảng Độ: Như thế, những vị dịch kinh cũng cần đến phương tiện tài chánh, không riêng gì các vị trong HĐKD.

TT Thiện Siêu: Vấn đề ấy nên gác lại một bên bởi hầu hết những vị có mặt hôm nay, những vị nằm trong HĐ Phiên dịch, khi ngồi lại đây đều ao ước được phát tâm đúng hơn là vì lý do tài chánh.

Kết luận:

Đề nghị cúng dường tài chánh cho các vị trong HĐKD do TT Thuyền Ấn đưa ra đã không được Đại hội chấp thuận. TT Chủ Tịch cho rằng ngay từ bây giờ ngân quỹ không có, sẽ xét vấn đề cúng dường khi Hội đồng có tài chánh.

B. Thể thức Phiên dịch

Việt Hóa và Thống Nhất Từ Ngữ (ở dịch phẩm)

TT Minh Châu và Thiện Siêu: Việt hóa bản văn dịch càng nhiều càng tốt. Có rất nhiều vấn nạn trong vấn đề thống nhất phiên dịch danh từ Hán Việt. Một số thuật ngữ dù quen thuộc đối với các vị dịch giả, song có thể quá xa lạ đối với độc giả quần chúng Phật tử. Ở đây, việc dịch trong hệ thống Hán tạng đều căn cứ theo phiên âm Hán ngữ đã có, không nên chèn vào danh từ Pàli (ví dụ: Hán tạng đã phiên âm A DI ĐÀ thì việc dịch nên để vậy, thay vì chuyển âm thành AMITA theo Pàli).

TT Quảng Độ: Cần thống nhất danh từ riêng trước đã.

Kết luận:

Đại hội chấp thuận nên lưu ý trong vấn đề chuyển ngữ những danh từ chuyên môn thế nào cho thống nhất. Trong năm tới, có thể giao trách nhiệm sắp xếp danh từ cho các sinh viên Cao Học Phật khoa, dưới sự hướng dẫn của các vị Giáo sư. Một số từ ngữ trọng yếu thường gặp phải, trong hiện tại, nếu gặp trường hợp không chuyển ngữ được, có thể để nguyên và thêm chú thích ở dưới.

Số lượng dịch phẩm, BỊ KHẢO, TOÁT YẾU và BÀI TỰA cho mỗi dịch phẩm.

TT Thiện Siêu: Đề nghị tối thiểu mỗi năm một vị phải dịch xong 50 trang đánh máy làm thành 3 bổn và nộp cho Hội Đồng Phiên dịch tại Trung ương.

TT Trí Tịnh: Xin tăng lên 100 trang.

Kết luận: Đại hội chấp thuận tối thiểu là 100 trang đánh máy.

TT Thanh Từ: Có nên dành một toát yếu cho mỗi phần sau của bản kinh vừa dịch xong không?

TT Trí Tịnh: Nên dành việc toát yếu cho phần Tục tạng, để khỏi trùng lặp.

TT Thanh Từ: Dịch giả ở mỗi đầu bộ kinh, có nên có phần bị khảo và bài tựa để giúp cho độc giả có một số khái niệm tổng quát về bản kinh đó?

TT Thiện Siêu: Phần bị khảo có lẽ cần. Song bài tựa ở mỗi đầu bộ kinh của dịch giả Việt cần không? Những bài tựa, ngay cả Hán tạng, cũng ít lắm. Vả lại vấn đề đòi hỏi nhiều công phu. Trong hiện tại, chúng ta không có đủ cơ hội. Xin Đại hội chú tâm nhiều đến vấn đề dịch chính văn trước đã.

Kết luận: Đại hội đồng ý quan điểm của TT Thiện Siêu vừa trình bày.

Phân Nhiệm và Phân ban

Một số vị Thượng Tọa trong Hội đồng Phiên dịch nêu lên vấn đề nên chung nhau hoàn thành mỗi bộ hay dịch theo khả năng và sở thích của từng cá nhân hoặc nhóm.

Đại hội chấp thuận nên dành ưu tiên cho việc hoàn thành trọn vẹn mỗi bộ trước đã, những vị nào có khả năng và phương tiện thì có thể làm thêm theo tự nguyện.

Trong kỳ hội nghị đầu tiên này, chỉ mới phân nhiệm được 7 bộ thuộc Đại Tạng.

1. A Hàm Bộ:

- Trường A-hàm và Tạp A-hàm => TT Thiện Siêu, TT Trí Thành, ĐĐ Tuệ Sỹ

- Trung A-hàm và Tăng Nhất A-hàm => TT Thanh Từ, TT Bửu Huệ, TT Thiền Tâm

(Những bổn kinh dù trong 3 vị có 1 vị nằm trong thành phần lãnh trách nhiệm là dịch giả, những vị đó vẫn chịu trách nhiệm tái kiểm. Bởi lần này xem như cả 3 vị đồng trách nhiệm. Như thế, các vị này phải chịu trách nhiệm như nhau về những bộ kinh liên hệ đến phần mình (dù đã dịch rồi) để đưa vào Đại Tạng Việt Nam).

2. Bổn duyên bộ: (chưa có vị nào nhận).

3. Bát Nhã bộ:

- Đại Bát Nhã (600 cuốn) => TT Trí Nghiêm

- Kim Cang Bát-nhã và Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-kinh => TT Trí Tịnh

- Phật thuyết Nhân duyên Bát-nhã Ba-la-mật kinh (2 cuốn, Cưu-ma-la-thập dịch), Tiểu phẩm Bát-nhã Ba-la-mật kinh (10 cuốn, Cưu-ma-la-thập dịch) => TT Thuyền Ấn

4. Pháp Hoa Bộ: Trọn bộ Pháp Hoa => TT Trí Tịnh.

5. Hoa Nghiêm bộ: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (81 cuốn) => TT Trí Tịnh đã dịch. Xin nhận tái kiểm.

6. Bảo Tích bộ:

- Đại Bảo Tích (120 cuốn), Phật thuyết Vô Lượng Thọ kinh (2 cuốn) => TT Trí Tịnh

- Bạt nhứt thế nghiệp chướng căn bản đắc sanh Tịnh độ Đà la ni (chú) => TT Thiền Tâm.

7. Niết Bàn bộ:

- Đại Niết Bàn (42 cuốn) => TT Trí Tịnh (dịch rồi)

- Đại Bi kinh => TT Huyền Vi

- Phật thuyết Đương Lai Biến kinh, Phật thuyết Phật diệt tâm kinh => TT Huệ Hưng

- Trung Ấm kinh => TT Thiền Tâm

8. Đại Tập bộ:

- Đại Phương Đẳng Đại Tập kinh (Tăng Tựu tập hợp) => TT Trí Tịnh.

- Quán Hư Không Tạng Bồ Tát kinh (Đàm Ma Mật Đa dịch) => TT Thuyền Ấn.

Đến đây, Đại hội đồng ý giao phó việc làm tiếp phần mục lục Kinh điển phải phiên dịch cho TT Trí Tịnh.

Về thể thức nộp bản, bởi Hội đồng kiểm duyệt không ở gần nhau, Đại hội đồng ý nên nộp thành 3 bổn (đánh máy) cho HĐKD. Về HĐKD, TT Thiện Siêu đề nghị 3 vị thuộc thành phần Chủ Tọa đoàn trong kỳ Đại hội này (TT Trí Tịnh, TT Minh Châu, TT Quảng Độ) đảm nhận tạm với “ý nghĩa” chịu trách nhiệm mọi công việc điều hành gần giống như công việc của HĐKD.

Sau khi thảo luận, đề nghị trên được chính 3 vị này đồng ý nhưng chỉ với danh nghĩa “Ủy ban Thường trực tại Trung ương” của Hội đồng phiên dịch, thay vì mang tên Hội đồng Kiểm duyệt.

Bởi tính cách quan trọng và cấp thiết của HĐKD, có vị yêu cầu nên gấp rút thành lập HĐKD để dễ dàng cho việc tiến hành dịch và xuất bản.

TT Trí Thành: Nên làm nhẹ công việc kiểm duyệt bằng cách chư vị “tham khảo” đọc trước, sửa chữa Việt ngữ cùng ý nghĩa, đồng chịu trách nhiệm trước HĐKD. Có như vậy, các vị trong HĐKD tại Trung ương sẽ đỡ tốn thì giờ hơn.

Đại Hội đồng ý sẽ bầu HĐKD bằng cách mời những vị có khả năng nhiều nhận lãnh nhiệm vụ đó trong một kỳ Đại Hội rộng lớn hơn vào một dịp thuận tiện (chưa định ngày).

- Thời hạn giao hoàn bản nộp: “Ủy ban Thường trực” tại Trung ương phải thực hiện trong vòng 1 tháng kể từ ngày nhận nộp bản. Nếu gởi bằng bưu điện, thời hạn sẽ tính theo nhật ấn của bưu điện được đóng trên bì thư.

Về những bản kinh còn lại thuộc 8 bộ vừa nêu ở trên, Đại Hội đồng ý cho văn phòng Hội đồng Phiên dịch tại trung ương sẽ gởi mục lục kinh và biên bản đến các vị nào vắng mặt trong buổi họp này để các vị ấy tùy nghi bổ túc phần của mình. Và để tránh sự trùng dịch, yêu cầu các vị ấy phải gởi danh sách những kinh mình định dịch để văn phòng tiện sắp xếp.

Buổi họp kết thức vào lúc 18 giờ ngày 21.10.1973

Làm tại Saigon, ngày 21 tháng 10 năm 1973

Chủ Tọa đoàn (đã ký)

Người lập biên bản (đã ký)

Thư ký đoàn (đã ký)



HỘI NGHỊ

TOÀN THỂ HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH TAM TẠNG

BIÊN BẢN

Phiên họp thứ tư, ngày 22.10.1973

tại Đại học Vạn Hạnh

Thời gian: Từ 16 giờ đến 18 giờ 20 ngày 22.10.1973.

Địa điểm: Chùa Vạn Đức, Thủ Đức

Hiện diện: Thượng Tọa Trí Tịnh, Minh Châu, Quảng Độ, Trí Nghiêm, Thiện Siêu, Huyền Vi, Trí Thành, Bửu Huệ, Thiền Tâm, Thuyền Ấn.

Chủ tọa đoàn:

Thượng Tọa Trí Tịnh (Chánh)

Thượng Tọa Minh Châu (Phó)

Thượng Tọa Quảng Độ (Tổng Thư ký)

IV. CÁC VẤN ĐỀ LINH TINH

TT Trí Tịnh: Trước khi đi vào vấn đề linh tinh, xin quý Thượng Tọa bổ túc các vấn đề đã được bàn thảo trong những phiên họp trước nếu có những điểm chưa hoàn hảo.

TT Thiền Tâm: Xin đảm nhận thêm:

- Sử truyện bộ

- Tam bảo cảm ứng bộ

TT Bửu Huệ: Lãnh trách nhiệm dịch bộ Tăng Nhất A Hàm thay thế Thượng Tọa Thanh Từ (TT Thanh Từ chuyển lại)

MỜI THÊM PHÁP SƯ GIA NHẬP HỘI ĐỒNG

TT Thuyền Ấn: Xin đề nghị mời thêm các vị bên Theravada vào Hội đồng, đặc biệt là TT Hộ Giác.

Hội Đồng đồng ý nên có một danh sách Pháp sư bổ túc cho Hội đồng Phiên dịch. Những Pháp sư được mời theo tiêu chuẩn thiện chí và khả năng của họ.

TT Huyền Vi: Đề nghị mời TT Trí Quảng

TT Thuyền Ấn: TT Hoàn Quang

Nhiều Thượng Tọa: Đề nghị mời TT Đạo Quang

TT Thiền Tâm, Bửu Huệ: Đề nghị mời TT Tắc Phước.

Đại hội đồng ý mời TT Tắc Phước.

TT Trí Tịnh: Về việc mời Thầy Trí Quảng, nên yêu cầu đương sự trình trước cho Hội đồng một tác phẩm đã dịch xong.

TT Minh Châu: Xin ghi tên vị giới thiệu Pháp sư được mời. Vị này chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Hội đồng. Xin vị đó liên lạc trước xem người được mời đồng ý không?

TT Thiện Siêu: Nên gởi những quy tắc của Hội đồng (dịch 100 trang một năm, thiện chí….) để xem họ có bằng lòng không?

Đề nghị của Thượng Tọa Minh Châu và Thiện Siêu được hoàn toàn đồng ý

TT Minh Châu: Việc mời thêm Pháp sư ngoài Hội đồng hiện hữu (gồm 16 vị) xin phải hết sức tế nhị. Đề nghị của chúng tôi không nhằm hạn chế số thành viên của Hội đồng, song chỉ muốn nguyên tắc giới thiệu phải được cẩn thận khi thực hiện để tránh những chuyện không hay có thể xảy ra.

Đại hội đồng ý.

TT Thuyền Ấn: Xin đề nghị Thầy Hộ Giác.

Nhiều Thượng Tọa: Thượng Tọa có chịu trách nhiệm về việc giới thiệu không?

TT Thuyền Ấn: Chúng tôi không quen biết với Thầy Hộ Giác. Tuy nhiên tôi biết là Ngài Pàli rất giỏi, học bên Nam Vang.

TT Minh Châu: Vấn đề Thầy Hộ Giác, xin để chúng tôi liên lạc trước. Chúng tôi biết Thầy Hộ Giác rất nhiều thiện chí, rất tha thiết với vấn đề phiên dịch Kinh điển.

TT Thiện Siêu: Vì cần phải liên lạc trước với Pháp sư mà chúng ta dự định mời, chúng tôi xin Hội đồng chỉ ghi lại ở đây danh sách những vị sẽ được mời.

Để tránh mất thì giờ, xin bàn đến vấn đề nộp bản. Nộp từng phần hay nộp toàn bộ?

NỘP BẢN

TT Quảng Độ: Xin nộp từng phần như chúng ta đã bàn lần trước, tức là mỗi năm nộp 100 trang đánh máy.

TT Trí Nghiêm: Nếu thế bộ tôi dịch phải 10 năm sau mới nộp hết được.

TT Thuyền Ấn: Xin nộp mỗi lần 2 cuốn để Hội đồng Phiên dịch Trung ương xem trước.

TT Trí Nghiêm: Số trang phải nộp, xin tùy theo từng bộ kinh.

TT Quảng Độ: Xin đồng ý với TT Trí Nghiêm.

KIỂM DUYỆT

TT Minh Châu: Chúng ta không làm công việc của kiểm duyệt. Chúng ta chỉ xem lại nhuận sắc bản dịch (và giao cho 1 vị giỏi về văn…)

TT Trí Nghiêm: Nếu thế, khi thấy có khuyết điểm, chúng ta có nên khuyến cáo không?

TT Trí Tịnh: Nên khuyến cáo.

TT Quảng Độ: Xin tóm tắt vấn đề nộp bản và kiểm duyệt:

- Xin dịch sư giữ lại bản thảo (viết tay) của mình.

- Gởi cho văn phòng Hội đồng 3 bản đánh máy.

- Có thể gởi mỗi năm 1 lần hay nhiều lần, số lượng nhiều hay ít tùy dịch phẩm (nhưng tối thiểu là 100 trang mỗi năm).

- Văn phòng nhận được những quyển đầu của một dịch phẩm dài, sẽ gởi lời khuyến cáo cho dịch sư (có nên tiếp tục không), sau khi xem lại.

Đại hội đồng ý.

XUẤT BẢN, ĐÁNH MÁY

TT Minh Châu; Từ hôm nay, nếu ai tiếp tục xuất bản những kinh đang dịch, Hội đồng có lo việc ấn loát cho họ sau khi đã xem lại không?

TT Trí Tịnh: Chưa áp dụng được, vì phương tiện tài chánh. Xin tự lo việc xuất bản.

TT Thuyền Ấn: Xin lập một Ban lo việc ấn loát. Ban này hoạt động dưới danh nghĩa Hội động Phiên dịch.

TT Trí Tịnh, Quảng Độ: Hiện tại, chúng ta chưa có tài chánh, vấn đề xin ghi nhận.

Đến đây, nhiều Thượng Tọa đưa ra vấn đề đánh máy các bản dịch.

TT Thiện Siêu: Vấn đề đánh máy, Trung ương không làm được. Mỗi người viết một kiểu chữ, nhiều khi rất khó đọc, bởi vậy, thư ký ở Trung ương sẽ đánh sai. Đề nghị dịch sư nên tự lo đánh máy.

TT Quảng Độ: Thiếu phương tiện tài chánh để thuê đánh máy, có thể nhờ Trung ương tài trợ không?

TT Trí Tịnh: Trung ương chưa có tài chánh.

TT Thuyền Ấn: Có thể nhờ Giáo hội địa phương giúp đỡ.

TT Trí Nghiêm: Tôi đã có nhờ Giáo hội địa phương. Tuy nhiên, nếu được Trung ương giúp thêm thì được danh chánh ngôn thuận hơn, và nhờ đó, Giáo hội địa phương sẽ giúp đỡ nhiều hơn. Chẳng hạn có thể dành riêng một thư ký phụ trách đánh máy cho Pháp sư dịch kinh.

TT Thiện Siêu: Xin tự lo liệu theo phương cách riêng của mình.

Nguyên tắc tự túc này được Đại hội đồng ý.

TT Thiện Siêu: Về việc ấn loát, xuất bản, xin đề nghị các phương thức sau: có hai trường hợp chính:

1) Trung ương ấn loát

2) Dịch giả hay địa phương xuất bản nhưng muốn mang danh nghĩa của HĐPDTT.

Cả hai trường hợp này đều phải tuân theo những nguyên tắc chung:

a) Bản dịch phải được Hội đồng xem lại và chấp thuận.

b) Phải tuân theo khuôn khổ đồng nhất do Trung ương đề ra.

Đại hội đồng ý.

TT Trí nghiêm: Với danh nghĩa Hội đồng, chúng ta đề trên dịch phẩm thế nào, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam xuất bản hay Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng xuất bản?

TT Thuyền Ấn: Đề Viện Tăng Thống xuất bản, bởi HĐPDTT trực thuộc Viện Tăng Thống.

Nhiều Thượng Tọa: Nên đề G.H.P.G.V.N.T.N, Viện Tăng Thống và dưới đề H.Đ.P.D.T.T xuất bản.

Đại hội đồng ý.

TT Trí Nghiêm: Xin quy định số lượng ấn hành và nộp bản. Một tác phẩm phải in tối thiểu mấy ngàn cuốn và nộp bao nhiêu cuốn cho Hội đồng? Còn nếu dịch sư muốn in nhiều hơn thì tùy khả năng của họ. Làm như thế để còn lưu trữ và tặng các cơ quan ngoại quốc.

TT Minh Châu:

- Dịch sư xuất bản: Nộp cho Hội đồng 100 bản.

- Hội đồng xuất bản: Tùy phương tiện tài chánh của Hội đồng và Hội đồng tùy nghi sử dụng.

TT Thiện Siêu: Tự túc ấn loát số lượng tùy tiện. Nếu trung ương muốn bao nhiêu bộ thì phải nộp và phải báo trước số lượng mà Trung ương cần để dịch giả tiện xếp đặt.

TT Trí Nghiêm: Như vậy muốn in bao nhiêu cũng được. Nếu sau này có thiếu thì in lại.

TT Trí Tịnh: Ngoài số lượng Trung ương có thể mua, dịch giả phải nộp cho Trung ương một số nào đó để lưu trữ.

Đại hội chấp thuận ý kiến này và ấn định số lượng phải nộp là 10 bản.

TT Minh Châu: Xin lưu ý Hội nghị là khi tái bản, chúng ta phải in theo lối offset (lối in lại tiện lợi nhất). Vì thế khi in lần đầu, quý Thượng Tọa nên cho in thật cẩn thận. Ví dụ sách phải đẹp và rõ ràng.

TT Thuyền Ấn: Xin lưu ý về bản quyền của dịch giả. Khi Trung ương muốn in lại một dịch phẩm, Trung ương phải trả tiền tác quyền.

BAN BẢO TRỢ XUẤT BẢN VÀ PHÁT HÀNH

Nhiều Thượng Tọa: Nên lập một Ban Bảo trợ cho việc xuất bản và phát hành Kinh điển.

TT Minh Châu: Có nhiều cá nhân Phật tử có thể đảm trách việc này được, xin lưu tâm.

TT Quảng Độ: Nên có văn thư của Viện Tăng Thống kêu gọi Phật tử phát tâm cúng dường và chỉ thị các Chùa, các Tu viện đặt một thùng công đức để dành riêng cho việc xuất bản Tam Tạng Kinh điển.

TT Minh Châu: Kêu gọi Phật tử giúp đỡ, cúng dường hay đặt mua trước, sau đó lập danh sách những người có công đức ấn tống Tam Tạng.

TT Thiện Siêu: Phải lập một Ban ấn hành Tam Tạng. Phải có những người vận động tài chánh thật giỏi, ví dụ như Thầy Hải Tuệ hồi trước.

TT Minh Châu: Rất nhiều Phật tử muốn phát tâm cúng dường Kinh điển. Nếu chúng ta tổ chức thật đàng hoàng và làm việc thật đàng hoàng thì vấn đề sẽ không khó.

TT Thuyền Ấn: Đề nghị Thượng tọa Huyền Vi làm Trưởng ban ấn hành Tam Tạng. Với tư cách là Tổng Vụ Trưởng Hoằng Pháp, Ngài làm việc đó rất hợp tình hợp cảnh.

Rất nhiều Thượng tọa đồng ý với TT Huyền Vi làm Trưởng ban ấn hành. Tuy nhiên vì còn bận nhiều Phật sự khác và nhất là vì cần phải dành thì giờ để phiên dịch nên TT Huyền Vi không thể đảm nhiệm được, Thượng Tọa đề nghị nên mời những vị ở ngoài Hội đồng Phiên dịch.

Đại hội đồng ý và sẽ bàn sau.

TT Minh Châu: Kinh nghiệm cho thấy là chúng ta phải tự lo in cuốn đầu. Những cuốn sau có thể kêu gọi giúp đỡ dễ dàng hơn (có thể có những Phật tử lãnh in, xuất bản ủng hộ).

Chúng ta có nên làm một lễ ra mắt hay không - để tự giới thiệu và như thế Ban bảo trợ ấn hành Tam Tạng dễ thành hình hơn.

TT Trí Tịnh: Nên ra mắt ở đâu cho hợp tình hợp cảnh khi mình chưa có trụ sở.

TT Quảng Độ, Thuyền Ấn: Đề nghị ra mắt ở trụ sở tạm (Đại học Vạn Hạnh).

TT Thiện Siêu: Nên tổ chức lễ ra mắt, đồng thời (cùng lúc) cho cả Hội đồng phiên dịch và Ban ấn loát để phổ biến danh sách những người lo việc in kinh. Phải chọn một ngày nhất định để việc tổ chức chu đáo hơn.

TT Trí Tịnh: Khi ra mắt, đề nghị triển lãm tất cả những bản thảo của Hội đồng Phiên dịch.

Đề nghị của TT Thiện Siêu và Trí Tịnh được Hội đồng hoàn toàn đồng ý.

TT Minh Châu: Nên chọn một ngày nào để làm lễ giới thiệu, xin đề nghị ngày Rằm tháng 2 sang năm.

TT Thiện Siêu: Nên tránh những ngày lễ, vì Phật tử cần đi làm lễ những ngày đó. Nên chọn một ngày Chủ nhật thuận tiện nhất.

TT Trí Tịnh: Văn phòng sẽ chọn ngày và sẽ thông báo cho quý Thượng Toạ sau.

TT Quảng Độ: Khi nhận được thư, xin quý Thượng Tọa về trung ương thật đầy đủ. Và nhớ mang tất cả các bản thảo mà quý Thượng Tọa có.

TT Bửu Huệ: Nên xây cất sơ sài trụ sở chính để giới thiệu. Nên trình bày đề án xây cất để Phật tử biết và đóng góp.

TT Minh Châu: Cùng lúc, nên triển lãm tất cả kinh sách đã xuất bản tại Việt Nam, để Phật tử hiểu rõ tình hình điển tích Phật giáo nước nhà.

TT Trí Tịnh: Đề nghị làm lễ giới thiệu ở Chùa Ca Diếp, nơi mà Hội đồng sẽ làm trụ sở.

Đại hội đồng ý đề nghị này.

HÌNH THỨC CỦA ĐẠI TẠNG KINH

TT Trí Tịnh: Về khuôn khổ của Đại tạng kinh, xin đề nghị một khổ duy nhất cho mỗi tập.

- Bề cao: 24 cm

- Bề rộng: ……….

- Bề dày: 3 cm

TT Thuyền Ấn: Gặp một bộ kinh quá ngắn như Pháp cú mà phải in theo khổ đó thì chỉ có vài trang. Xin đề nghị hai khổ khác nhau. Khổ lớn để đưa vào tạng chính, khổ nhỏ hơn để dễ lưu hành.

Sau khi thảo luận một hồi, Ban Chủ Tọa đúc kết khuôn khổ đã được Hội nghị đồng ý.

Kinh điển phải in theo hai khổ …………:

1. Khổ chính thức: cao 24 cm; rộng 15,5 cm; bề dày linh động (giống Trung Bộ Kinh của Thượng Tọa Minh Châu).

2. Khổ biệt hành: (Để phổ biến): cao 18,5cm ; rộng 12,5 cm (giống Luật Sa Di và Sa Di Ni của Thượng Tọa Trí Quang).

TT Thiện Siêu: Dịch phẩm được in theo lối biệt hành, dịch giả muốn in cả chữ Hán, Pàli…. hay phiên âm cũng được. Khi được in vào tạng có in phiên âm và chữ Hán không?

Hội nghị biểu quyết: Tam Tạng Việt ngữ chỉ in chữ Việt

TT Quảng Độ: Về loại chữ, đề nghị loại dùng trong tạng Roman 12.

Hội nghị đồng ý.

TT Trí Tịnh: Giấy in tạng phải thật tốt để được lâu năm.

Hội nghị đồng ý.

TT Thuyền Ấn: Bìa Tam Tạng nên dùng ba loại màu khác nhau.

TT Trí Tịnh: Kinh màu vàng, Luận màu xanh, Luật màu nâu.

TT Quảng Độ: Nên dùng loại bìa cứng, ngoài có áo.

TT Thiện Siêu: Chỉ nên dùng một màu duy nhất cho Kinh, Luật, Luận, Luận Sớ…

Đại hội biểu quyết:

1. Dùng một màu duy nhất: Bleu Marine (xanh nước biển)

- Bìa cứng (riêng cho Đại Tạng).

- Trên bìa đề:

a) Trên hết: Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

b) Kế đó: Viện Tăng Thống.

c) Ở giữa: Tên kinh.

d) Dưới: Hội đồng phiên dịch Tam Tạng xuất bản.

e) Dưới hết: Phật Lịch – Năm Dương Lịch

f) Không đề tên tác giả ngoài bìa.

- Trên gáy: tương tự nhưng viết tắt

Lưu ý: Đơn giản, trang nghiêm.

2. Biệt hành: Chỉ bắt buộc để danh nghĩa Giáo Hội.

3. Về tên dịch giả, phải đề giới phẩm mình đã thọ là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sa Di, Sa Di Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di:

Ví dụ: Tỳ kheo Thích……….dịch

Sa di Thích………..

Ưu bà tắc Tâm Ngộ dịch…

4. Ấn tín của Hội đồng sẽ ấn định sau.

TRỤ SỞ

Thượng Tọa Chủ toạ trình bày về khoảng đất mà Hội đồng sẽ xây trụ sở. Khoảng đất này có diện tích 48.000 m2, cách quốc lộ 1 200m và xa lộ Đại Hàn 150m. Trụ sở sẽ được xây theo hình chữ H, cao 3 tầng đối diện với một tòa chữ H giống kích cỡ của Tu viện. Mỗi nét của chữ H có bề dày 50m và rộng 15m.

Hòa Thượng Thiện Hòa đã hứa là sẽ khởi công sau khi xây xong tháp ở Huệ Nghiêm. Vấn đề hoàn thành trụ sở sớm hay muộn còn tùy thuộc phương tiện tài chính. Kinh phí dự trù lên đến 1 tỷ bạc Việt Nam. (1.000.000.000 $) cho việc xây cất, không kể trang bị.

Trên cổng chính sẽ đề như sau:

PHÁP BẢO VIỆN

Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng

Chú ý: Chỉ đề chữ Việt mà thôi.

Đến đây, Ban Chủ Tọa tuyên bố bế mạc Hội nghị, toàn thể Hội đồng Phiên dịch và buổi họp kết thúc vào đúng 18 giờ 20.

Làm tại Thủ Đức, ngày 22 tháng 10 năm 1973

Thư ký đoàn (dã ký)

Chủ Tọa đoàn (đã ký)




    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vua Là Phật, Phật Là Vua


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Rộng mở tâm hồn


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.48.105 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...